Đề xuất giải pháp nhằm ổn định giá nhà đất

Đề xuất giải pháp nhằm ổn định giá nhà đất
Đề xuất giải pháp nhằm ổn định giá nhà đất
Ngày đăng: 16/11/2024 10:52 AM

    Nhiều chuyên gia đã đề xuất các giải pháp kéo giảm giá nhà và bình ổn thị trường theo hướng phát triển minh bạch và bền vững, nhằm ổn định giá nhà đất.

    Phân khúc bình dân gần như đã hoàn toàn biến mất trên thị trường. Ảnh: Lục Giang

    Tăng cung là giải pháp cấp bách

    Giá bất động sản liên tục tăng cao khiến giấc mơ an cư ngày càng xa vời đối với nhiều người dân, đặc biệt là những gia đình trẻ. Vì vậy, ổn định giá bất động sản, đưa giá nhà đất về sát với giá trị thực là một trong những vấn đề được quan tâm nhất của thị trường bất động sản hiện nay.

    Nhằm ổn định giá nhà ở, nhiều chuyên gia đã đề xuất các giải pháp bình ổn thị trường bất động sản theo hướng phát triển minh bạch, lành mạnh, ổn định và bền vững.

    Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM (HoREA) - cho rằng, tăng cung là giải pháp cấp bách để kéo giảm giá nhà. Theo Chủ tịch HoREA, tình trạng thị trường vừa bị mất cân bằng cung - cầu vừa bị mất cân đối lệch pha về phân khúcnhà ở cao cấp và nhà ở bình dân, khi phân khúc bình dân gần như đã hoàn toàn biến mất trên thị trường. Vì vậy, để kéo giảm giá nhà ở cần có giải pháp tăng nguồn cung, trước hết bằng cách tháo gỡ một số bất cập trong quy định pháp luật.

    Vị chuyên gia cũng nhấn mạnh, Chính phủ đang có những đột phá về thể chế để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.

    “Chúng tôi cũng rất hoan nghênh Chính phủ đã giao các bộ, ngành thực hiện xây dựng 3 dự thảo Luật. Chúng ta mong tất cả các cơ quan quản lý phối hợp để tháo gỡ hơn 500 dự án để tăng cung, giảm giá nhà, đồng thời thực hiện được mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội mà Chính phủ đã phát động”, ông Châu khẳng định.

    Đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội

    Trong khi đó, nhiều chuyên gia cho rằng, để giúp kéo giảm giá nhà ở, cần chú trọng và đẩy mạnh hơn nữa trong việc phát triển nhà ở xã hội cho người có thu nhập trung bình, thực hiện mục tiêu phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030 và góp phần điều chỉnh cơ cấu sản phẩm nhà ở trên thị trường bất động sản.

    Bà Cao Thị Thanh Hương, Quản lý Cấp cao Bộ phận Nghiên cứu Savills phân tích, trước nhu cầu bức thiết về nhà ở xã hội ngày càng tăng, người dân mong đợi một sự vào cuộc mạnh mẽ hơn từ phía Nhà nước.

    Để đáp ứng nhu cầu này, TPHCM đã đặt mục tiêu cung cấp 35.000 căn nhà ở xã hội đến năm 2025, trong khi Hà Nội là 8.000 căn. Bà Hương nhìn nhận, các chính sách đã được điều chỉnh để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc phát triển nhà ở xã hội.

    Tuy nhiên, thực tế trên thị trường hiện nay việc phát triển nhà ở xã hội chưa được như kỳ vọng. Các chuyên gia cho rằng, quỹ đất là một trong những nguyên nhân khiến ngồn cung nhà ở nhà xã hội khó đạt mức tăng trưởng khả quan.

    Trước bối cảnh thiếu hụt nhiều dự án nhà ở xã hội cho người có nhu cầu thực tại các thành phố lớn, vẫn tồn tại tình trạng nhiều dự án bất động sản bỏ hoang gây lãng phí.

    Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), tính riêng Hà Nội và TPHCM, có ít nhất khoảng 18.000 căn hộ tái định cư bị bỏ hoang. Các tòa nhà xây dựng với quy mô lớn, đầu tư hàng nghìn tỉ đồng nhưng lại bị bỏ không hoặc sử dụng không hiệu quả khiến toàn bộ hạ tầng và các hạng mục bị xuống cấp nghiêm trọng.

    Vì vậy, cần tận dụng triệt để quỹ đất phát triển nhà ở xã hội và sử dụng hiệu quả hơn nữa quỹ đất này, tránh gây lãng phí trong khi nhu cầu phát triển nhà ở cho người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp đang là vấn đề cấp thiết.

    Một giải pháp khác được một số chuyên gia đề xuất và Bộ Xây dựng cũng đang nghiên cứu đề xuất chính sách đánh thuế đối với trường hợp sở hữu, sử dụng nhiều nhà đất. Tuy nhiên, đề xuất này đang gây tranh cãi trái chiều, nhiều chuyên gia cho rằng, đánh thuế bất động sản ở thời điểm này chưa phù hợp, cần nghiên cứu kỹ lưỡng về thời điểm và cách thức đánh thuế bất động sản, tránh gây sốc dẫn đến việc bán tháo ồ ạt trên thị trường.

    Zalo
    Hotline